Search…

Góc Nhìn Tổng Quan về Visual Studio IDE

03/11/20207 min read
Giới thiệu các khía cạnh của Visual Studio IDE dưới góc nhìn tổng quan và kỹ thuật - các công cụ hữu ích, khả năng debug và hệ thống thư viện hỗ trợ lập trình.

Visual Studio IDE (Integrated Development Environment) là 1 bộ công cụ phát triển phần mềm do Microsoft phát triển và được sử dụng bởi các lập trình viên để xây dựng phần mềm.

Phiên bản đầu tiên của Visual Studio được phát hành vào năm 1997 với 2 phiên bản là Professional và Enterprise, tính đến thời điểm hiện tại, Visual Studio đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và phát hành những phiên bản: Visual Studio 2005 (VS2005), VS2008, VS2010, VS2012, VS2013, VS2017, VS2019, ... với mỗi phiên bản phát hành có nhiều công nghệ và tính năng mới mẻ được tích hợp.

Nếu người dùng có nhu cầu nghiên cứu và giáo dục có thể tải phiên bản Visual Studio Community vì phiên bản này miễn phí cho nghiên cứu và giáo dục nhưng có đầy đủ các tính năng để học tập.

Trang chủ của Visual Studio: https://www.visualstudio.com.

Vì sao nên sử dụng Visual Studio?

Khi mới bắt đầu lập trình, các câu hỏi thường thấy là:

  • Học lập trình như thế nào?
  • Học ngôn ngữ gì?
  • Dùng phần mềm, công cụ nào để phát triển?

Những câu hỏi trên rất rộng và không có câu trả lời chính xác, tùy vào sở thích, cách học của mỗi người hoặc phụ thuộc vào người hướng dẫn.

Khi mới tiếp xúc với C/C++, khi trải qua nhiều công cụ để code như Dev-C++, Code::Blocks, C-Free, có thể nhận ra rằng những công cụ này còn thiếu nhiều thành phần hỗ trợ phát triển phần mềm 1 cách nhanh chóng. Hoặc những phần mềm này đã quá lỗi thời (C++11 đã phát hành từ lâu nhưng trình biên dịch của IDE đó chưa hỗ trợ), có thể thấy Visual Studio có nhiều ưu điểm cho học tập và phát triển phần mềm:

  • Hỗ trợ lập trình trên nhiều ngôn ngữ như C/C++, C#, F#, Visual Basic, HTML, CSS, JavaScript, phiên bản Visual Studio gần đây hỗ trợ ngôn ngữ Python.
  • Visual Studio có công cụ Debugger hỗ trợ Debug trực quan, dễ sử dụng (breakpoints, xem giá trị của biến trong quá trình chạy, hỗ trợ kiểm tra từng câu lệnh).
  • Giao diện Visual Studiodễ sử dụng đối với người mới bắt đầu học lập trình.
  • Visual Studio hỗ trợ phát triển ứng dụng Desktop MFC, Windows Forms Application, Universal App, ứng dụng Windows 10, Android (Xamarin), iOS và phát triển website với ASP.NET MVC (ASP.NET Core MVC) và phát triển ứng dụng tương tác với Microsoft Office.
  • Visual Studio hỗ trợ kéo thả để xây dựng ứng dụng 1 cách chuyên nghiệp, dễ tiếp cận hơn khi xây dựng ứng dụng.
  • Visual Studio cho phép tích hợp những extension bên thứ 3 như ReSharper (hỗ trợ quản lý và viết mã nhanh cho các ngôn ngữ thuộc .NET), hay việc cài đặt thư viện nhanh chóng thông qua NuGet.
  • Visual Studio được sử dụng đông đảo bởi lập trình viên trên toàn thế giới nên cộng đồng hỗ trợ rất đông đảo.

Giao diện làm việc trong Visual Studio

Visual Studio cho WPF
Visual Studio cho WPF

Hình trên là giao diện làm việc của 1 project WPF không gian làm việc tương tự đối với những project khác:

  • Vùng 1: Toolbox - đây là vùng chứa tất cả các control có thể sử dụng cho project, có thể kéo thả những control này sang vùng 2 và vùng 3.
  • Vùng 2: Design - vùng hiển thị kết quả (giao diện) từ mã giao diện, có những loại project không có vùng làm việc này như Console App.
  • Vùng 3: vùng viết mã nguồn (coding).
  • Vùng 4: nơi xuất ra những thông báo trong quá trình biên dịch, các lỗi cú pháp phát sinh trong quá trình viết mã.
  • Vùng 5: Solution Explorer - vùng quản lý các file trong project đang làm việc.

Các vùng làm việc này có thể kéo thả để thay đổi vị trí, khá là linh hoạt, tùy theo sở thích hay thói quen của người dùng.

Ngoài ra, có thể thay đổi theme cho Visual Studio bằng cách vào ToolsOptions...EnvironmentGeneral chọn thêm ở Color Theme.

Visual Studio dark theme.

Những tiện ích mà Visual Studio cung cấp

Hỗ trợ viết mã nhanh chóng

Nếu viết mã trên Notepad hay Nodepad++ sẽ gặp nhiều khó khăn như quên tên hàm, chức năng của hàm này làm gì, tham số hàm có những gì? Visual Studio gợi ý ngay sau khi gõ các tên biến, tên hàm với hiệu năng và trực quan cao, tính năng này có tên là IntelliSense.

IntelliSense

Hay sử dụng các phím tắt để phát sinh code, ví gõ cw sau đó nhấn TAB TAB, Visual Studio tự phát sinh code là: System.Console.WriteLine().

Ngoài ra để tạo 1 thuộc tính trong class, chỉ cần gõ là prop TAB TAB, Visual Studio cũng tự phát sinh code.

Code sau khi phát sinh:

public int MyProperty { get; set; }

Ngoài ra có thể cài thêm 1 số extension hỗ trợ quản lý và viết mã tốt hơn như:

  • Visual Assist: extension hỗ trợ với ngôn ngữ C++.
  • ReSharper: extension hỗ trợ các ngôn ngữ thuộc .NET.

Công cụ Debug mạnh mẽ

Visual Studio IDE theo cảm nhận riêng là IDE hỗ trợ Debug 1 cách mạnh mẽ nhất. Ngoài cách xuất các thông số (giá trị của biến) ra output hỗ trợ bởi các hàm printf, cout, hay Console.WriteLine, Debug.WriteLine thì Visual Studio có thể debug từng câu lệnh để kiểm tra giá trị qua mỗi câu lệnh đó thông qua breakpoints.

Để đặt breakpoint chúng ta có 2 cách:

  • Cách 1: nhấn chuột vào ngay bên mép trái dòng muốn debug.
  • Cách 2: trỏ cho trỏ chuột vào dòng muốn debug và nhấn phím tắt F9.

Để xem kết quả chạy ra sao, nhấn phím F5 để chạy ở chế độ debug.

Khi chương trình khởi chạy thì chương trình sẽ dừng lại ở dòng số 26, có thể sử dụng phím F10 để chạy từng dòng lệnh.

Go To Definition to class và function

Khi viết mã, thông thường sẽ cần tìm đến các class và phương thức để sửa đổi mã trong quá trình phát triển nếu phát sinh lỗi. Việc tìm kiếm các class và phương thức rất tốn thời gian nếu số lượng file trong project lớn; Visual Studio hỗ trợ 1 tính năng hữu ích là Go To Definition.

Tính năng này được sử dụng rất nhiều trong khi viết mã, giả sử cần khảo sát class StreamWriter từ khai báo sau:

StreamWriter writer = new StreamWriter()

Có thể đặt con trỏ chuột vào tên class StreamWriter và nhấn phím F12 để Visual Studio tự chuyển hướng đến class StreamWriter hoặc có thể nhấn chuột phải và chọn Go To Definition.

Ngoài tính năng Go To Definition đến class thì Visual Studio còn hỗ trợ Go To Definition đến các phương thức, cách thực hiện tương tự như đối với class, nhấn F12 khi đặt trỏ chuột vào nơi gọi phương thức hoặc nhấn chuột phải vào tên phương thức sau đó chọn Go To Definition.

Cài đặt thư viện nhanh chóng thông qua NuGet

Visual Studio hỗ trợ cài đặt thư viện nhanh chóng thông qua NuGet (chỉ áp dụng cho các project sử dụng ngôn ngữ C#).

Ví dụ thư viện Newtonsoft.Json hỗ trợ xử lý JSON, có 2 cách là tải thư viện này về dưới dạng file .dll và Add Reference bằng cách thông thường hoặc tích hợp thông qua NuGet.

Để cài đặt thư viện thông qua NuGet, đầu tiên nên tìm hiểu sơ lược thư viện muốn tích hợp, có thể sử dụng keyword "Newtonsoft.Json NuGet" để tìm kiếm thông tin trên Google.

Newtonsoft.Json NuGet

Sau khi tìm hiểu các thông tin cần thiết về các tính năng của thư viện tại nuget.org, có thể tiến hành cài đặt cho project bằng công cụ NuGet Package Manager được tích hợp trong Visual Studio (Tools  → NuGet Package ManagerPackage Manager Console) và gõ lệnh cài đặt.

Install-Package Newtonsoft.Json
NuGet Newtonsoft.JSON

Với NuGet các thư viện hữu ích sẽ được cài đặt thuận tiện hơn và không nhất thiết phải chia sẻ các thư viện khi làm việc nhóm mà các thành viên có thể thông qua NuGet tải về.

* Xem nguồn bài viết tại: https://eitguide.net/mot-cai-nhin-tong-quan-ve-visual-studio-ide/

IO Stream

IO Stream Co., Ltd

30 Trinh Dinh Thao, Hoa Thanh ward, Tan Phu district, Ho Chi Minh city, Vietnam
+84 28 22 00 11 12
developer@iostream.co

383/1 Quang Trung, ward 10, Go Vap district, Ho Chi Minh city
Business license number: 0311563559 issued by the Department of Planning and Investment of Ho Chi Minh City on February 23, 2012

©IO Stream, 2013 - 2024