Search…

Hành Trình Nghiên Cứu: Khảo Sát Về Hướng Nghiên Cứu

20/08/20206 min read
TÌm hiểu cách để khảo sát hướng nghiên cứu một cách nhanh chóng và ít tốn kém dành cho nghiên cứu sinh mới bắt đầu.

Đối với một nghiên cứu sinh, việc khảo sát về công trình của bản thân có thể mang lại động lực to lớn để tiếp tục công việc. Nhờ có khảo sát mà nghiên cứu sinh có thể điều chỉnh công trình nghiên cứu cho phù hợp với nhu cầu xã hội, từ đó đưa ra được nhiều giá trị hơn.

Chọn hướng nghiên cứu như thế nào?

Đây là câu hỏi cực kì quan trọng cần phải trả lời trước khi làm bất kì điều gì khác cho việc nghiên cứu. Bởi vì nếu như chọn sai hướng hoặc không phù hợp sẽ có khả năng dẫn đến mất nhiệt huyết và đam mê. Thông thường có 2 cách để chọn một hướng nghiên cứu:

  • Cách 1: Bạn thích nghiên cứu về một chủ đề nào đó và bạn chọn đó là hướng nghiên cứu của mình.
  • Cách 2: Giáo sư của bạn đã có một hướng nghiên cứu sẵn, bạn sẽ chỉ cần tham gia vào hướng này.

Cả 2 cách đều có ưu – nhược điểm nhất định:

  • Với cách 1, ưu điểm đó là bạn đã có sẵn đam mê cho hướng nghiên cứu, điều bạn cần làm là bắt đầu nghiên cứu như thế nào. Tuy nhiên nhược điểm đó là nếu như bạn nghiên cứu về một hướng hoàn toàn mới, không có người hướng dẫn, đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Các rủi ro này bao gồm việc bạn chọn nhầm đường không có lối thoát và phải bỏ cuộc giữa chừng.
  • Với cách 2, ưu điểm rất rõ ràng là bạn có sẵn người hướng dẫn, giáo sư sẽ cho bạn biết những con đường nào nên đi và cần tránh những điều gì. Nhược điểm lớn của cách này đó là đôi khi bạn không thích hướng nghiên cứu của giáo sư, điều này dẫn đến việc bạn không đủ nhiệt huyết để theo đuổi.

Tuỳ theo cách bạn chọn, khi đã có một hướng nghiên cứu, để biết hướng này có thực sự là một hướng nghiên cứu nên theo đuổi hay không, bạn cần khảo sát nó.

Khảo sát hướng nghiên cứu đã chọn

Khảo sát hướng nghiên cứu là gì?

Thực chất của việc khảo sát hướng nghiên cứu là tìm kiếm và tổng hợp các thông tin và kết quả nghiên cứu về hướng này trong thời gian gần đây. Về bản chất, nghiên cứu là quá trình khám phá ra cái mới, do đó thường dựa trên tư tưởng kế thừa. Việc khảo sát tốt giúp bạn có góc nhìn tổng quan về vấn đề bạn cần giải quyết, đồng thời giúp bạn tránh được việc lặp lại những nghiên cứu đã được tiến hành trước đó.
Các thông tin và kết quả nghiên cứu thường được công bố dưới dạng các bài báo khoa học tại các hội nghị hoặc tạp chí khoa học. Do đó tôi muốn giới thiệu cho các bạn một số công cụ để tìm các bài báo khoa học đồng thời cách thức để tổng hợp thông tin từ các bài báo này.

Công cụ

Với kinh nghiệm của bản thân, tôi đề xuất bạn sử dụng 2 công cụ sau để tìm kiếm và lưu trữ bài báo khoa học.

Về công cụ tìm kiếm, Google đã hỗ trợ cho chúng ta một công cụ để tìm kiếm các liên kết về các bài báo khoa học cũng như các cộng đồng khoa học đó là Google Scholar. Đây là một search engine để tìm kiếm tài liệu học thuật trên quy mô rộng, bao gồm tất cả các ngành nghề và các nguồn cung cấp khác nhau.

Sau khi tìm kiếm bạn cần có một công cụ để lưu trữ các liên kết cũng như nội dung sơ lược của các bài báo khoa học. Loại công cụ này bạn có thể sử dụng Zotero. Công cụ này giúp bạn tổ chức, lưu trữ các tài liệu khoa học.

Tìm kiếm bài báo khoa học

Vì lượng thông tin do Google Scholar cung cấp rất lớn do đó bạn cần chọn lọc từ khóa khi tìm kiếm và tùy vào đề tài bạn chọn, có thể bắt đầu tìm kiếm bằng từ khoá chính là tên đề tài của bạn. Sau đó có thể tìm kiếm với các từ khoá trong tên đề tài của bạn.

Bên cạnh việc chọn lọc từ khoá, bạn cần chú ý tới thời gian xuất bản của các bài báo khoa học, để đảm bảo thông tin và kết quả bạn tìm kiếm được đủ mới, bạn có thể tìm kiếm các bài báo trong 5 năm gần nhất. Bên cạnh đó, bạn nên tìm đọc những bài báo được xuất bản tại các hội nghị và tạp chí tốt. Tuỳ theo ngành, các hội nghị và tạp chí sẽ được đánh giá bằng các thang điểm khác nhau.

Khảo sát

Sau khi có được các bài báo cần thiết, bạn bắt đầu quá trình khảo sát.

Một bài báo khoa học thường có các phần sau:

  • Abstract: Tác giả viết tóm tắt về công trình của mình, tác giả làm gì, làm bằng cách nào và kết quả ra sao;
  • Introduction: Tác giả giới thiệu về công trình nghiên cứu, động lực để tác giả làm công trình này;
  • Related work: Trong hướng tác giả nghiên cứu, đã có những công trình nào và kết quả ra sao;
  • Các phần chi tiết của công trình nghiên cứu.

Các bước khảo sát cụ thể như sau:

  • Bước 1: Loại bỏ các bài báo có ít liên quan tới đề tài nghiên cứu. Ở bước này, bạn tiến hành đọc các Abstract của các bài báo, sau đó lưu trữ ghi chú lại. Sau bước này, bạn sẽ giữ lại được các bài báo thực sự cần cho quá trình khảo sát.
  • Bước 2: Đọc các bài báo cần khảo sát và vẽ ra bức tranh lớn cho hướng nghiên cứu của bạn. Phần cần đọc trong bước này là Abstract, Introduction và Related work. Tại bước này, bạn cố gắng vẽ ra cái cây lớn trong hướng nghiên cứu của mình, đồng thời xác định được hướng của mình đang đứng tại vị trí nào trong bài toán tổng quát.
  • Bước 3: Sau khi đã có bức tranh lớn, bạn tiến hành đi chi tiết trong từng bài báo, phân tích vấn đề các tác giả trước đã làm, còn tồn tại những điểm yếu gì. Từ những thông tin này bạn có thể định hướng lại cho hướng nghiên cứu của mình.

Kết luận

Qua quá trình khảo sát, ban có thể định hướng lại hướng nghiên cứu của mình, đồng thời cũng biết được tính khả quan của hướng nghiên cứu.

Lời kết

Trên đây tôi đã chia sẻ kinh nghiệm về khảo sát một hướng nghiên cứu, hi vọng giúp ích được cho các bạn trong quá trình nghiên cứu. Tôi cũng rất mong nhận được chia sẻ của các bạn về chủ đề này.

Tham khảo

https://www.cs.jhu.edu/~jason/advice/how-to-find-research-problems.html - 12/05/2016

IO Stream

IO Stream Co., Ltd

30 Trinh Dinh Thao, Hoa Thanh ward, Tan Phu district, Ho Chi Minh city, Vietnam
+84 28 22 00 11 12
developer@iostream.co

383/1 Quang Trung, ward 10, Go Vap district, Ho Chi Minh city
Business license number: 0311563559 issued by the Department of Planning and Investment of Ho Chi Minh City on February 23, 2012

©IO Stream, 2013 - 2024