Search…

Giới Thiệu Intel Galileo

30/07/20205 min read
Giới thiệu về Intel Galileo và cái nhìn chi tiết hơn về ngoại hình, thông số kĩ thuật của Intel Galileo.

Giới thiệu

Intel Galileo là board mạch vi điều khiển đầu tiên mang kiến trúc của Intel, được thiết kế để phần cứng và phần mềm có thể tương thích với các Arduino shields được thiết kế cho Arduino UNO R3. Intel Galileo có thể được lập trình bằng Arduino IDE.

intel_galileo_gen_1
Intel Galileo Gen 1

Tổng quan

Mặt trước – Intel Galileo
CapMặt trước – Intel Galileotion
Mặt sau – Intel Galileo
Mặt sau – Intel Galileo

Một kit Intel Galileo gồm các thành phần sau:

  • 1 board Intel Galileo.
  • 1 adapter 5V – 2.1A.
  • 1 đoạn dây để cắm vào adapter cấp nguồn cho board.
  • 4 loại đầu cắm cho adapter để tùy chỉnh theo thiết kế ổ điện.

Intel Galileo được xây dựng với nhân là vi điều khiển Intel® Quark SoC X1000, hoạt động ở tần số lên đến 400 MHz. Galileo được thiết kế để hỗ trợ cho các shields hoạt động ở cả 2 mức điện áp 3.3V và 5V, mức điện áp này có thể điều chỉnh bằng cách dịch chuyển các jumper của bộ chuyển đổi điện áp đã được tích hợp sẵn trên board.

Thông số kĩ thuật của Galileo board được tóm tắt trong bảng sau:

Vi xử lý Intel® Quark™ SoC X1000
Tần số 400 MHz
Cache 16 KB
SRAM 512 KB
EEPROM 11 KB
Dung lượng bộ nhớ tối đa 256 MB
Băng thông bộ nhớ tối đa 2.5 GB/s
Dung lượng để lưu trữ sketch 256 ~ 512 KB
Điện áp hoạt động khuyên dùng 5V
Điện áp hoạt động giới hạn 5V
Digital I/O pin 14 (Trong đó có 6 pin có khả năng băm xung)
PWM Digital I/O Pins 6
Analog Input Pins 6
Cường độ dòng điện tối đa trên mỗi I/O pin 80 mA
Cường độ dòng điện tối đa trên pin 3.3V 800 mA
Cường độ dòng điện tối đa trên pin 5V 800 mA
Thẻ nhớ hỗ trợ Lên đến 32 GB
Chiều dài 4.2 inch (10.668 cm)
Chiều rộng 2.8 inch (7.112 cm)

Một số chi tiết trên board

intel_galileo_cac_chi_tiet
Chi tiết Intel Galileo
  1. Cổng kết nối Ethernet cho phép Galileo kết nối tới các modem, router hay máy tính cá nhân để kết nối Internet với tốc độ truy cập tối đa lên đến 10/100 Mbps.
  2. Cổng giao tiếp thứ nhất trong 2 cổng UART của board hỗ trợ giao tiếp chuẩn RS-232 có hình dạng như một jack cắm tai nghe 3.5mm.
  3. Cổng USB Client cho phép giao tiếp với các phần mềm của máy tính, các board Arduino hoặc các vi xử lý khác. Cổng này thường được dùng để upload sketch chứa chương trình Arduino lên board.
  4. Cổng USB Host dùng cho việc kết nối nhận tín hiệu từ các thiết bị như bàn phím, chuột, smartphone.
  5. 14 pin Digital I/O, đánh số từ 0 đến 13 trong đó có 6 pin với dấu (~) là các pin PWM. Tại pin 0 (RX) và 1 (TX) chính là cổng UART thứ 2 của Galileo với chuẩn TTL.
  6. 6 pin nhận tín hiệu Analog được đánh số từ A0 → A5. 6 pin này cũng có thể sử dụng được như các pin ra / vào bình thường (như pin 0 - 13).
  7. Các pin cấp điện cho board (3.3V, 5V, GND …).
  8. Nút Reboot, khi được bấm nút này sẽ khỏi động lại toàn bộ hệ thống như lúc mới được cấp nguồn.
  9. Đèn LED USB và đèn LED được nối với pin 13.
    • Đèn LED USB biểu thị trạng thái board đã sẵn sàng và có thể được kết nối đến.
    • Đèn LED tại pin 13 tương tự như trên Arduino UNO R3 sáng khi tín hiệu xuất ra ở múc HIGH và tắt khi ở mức LOW.
  10. Gồm có khe cắm thẻ nhớ microSD, 2 đèn LED SD và ON, nút Reset.
    • Khe cắm thẻ nhớ dùng cho việc boot hệ điều hành đã được cài đặt sẵn trong thẻ nhớ. Nếu không có thẻ nhớ hoặc thẻ nhớ rỗng hay không có file boot Galileo sẽ tự động boot một hệ điều hành mặc định được cài sẵn trong bộ nhớ Flash.
    • Đèn SD sáng khi board có truy cập đến SDcard.
    • Đèn ON biểu thị nguồn đã được kết nối vào board.
    • Nút Reset khi được bấm sẽ khởi động lại chương trình Arduino đang được chạy trên board.
  11. Cổng nguồn của Intel Galileo (5V).

Cài đặt các jumper cho Galileo

IOREF Jumper
IOREF Jumper

Để Galileo có thể chạy được các shields ở cả 2 mức 3.3V hay 5V, điện áp sẽ được điều chỉnh tại jumper này.

Nếu shields cần chạy ở mức 3.3V ta chỉ việc rút jumper ra và cắm nối chân giữa với chân bên 3.3V và ngược lại cắm vào phía 5V điện áp tại chân IOREF sẽ là 5V.

Lưu ý: IOREF Jumper phải được đặt đúng với điện áp giữa board và shields, cài đặt không chính xác sẽ gây hư hại cho board hoặc shields.

VIN Jumper

Trên Galileo, pin VIN dùng để cung cấp một nguồn 5V nối với nguồn trên board cho các shields hoặc các thiết bị khác. Nếu như muốn cung cấp 1 nguồn lớn hơn 5V cho các shields sử dụng nguồn từ VIN ta phải tháo jumper ra để ngắt kết nối giữa nguồn 5V trên board và VIN.

Lưu ý: Nếu jumper chưa được tháo ra và nguồn lớn hơn 5V được mắc vào pin VIN nó có thể sẽ phá hỏng board hoặc làm cho board hoạt động không ổn định.

Tham khảo

www.arduino.cc/en/ArduinoCertified/IntelGalileo - 4/8/2016

IO Stream

IO Stream Co., Ltd

30 Trinh Dinh Thao, Hoa Thanh ward, Tan Phu district, Ho Chi Minh city, Vietnam
+84 28 22 00 11 12
developer@iostream.co

383/1 Quang Trung, ward 10, Go Vap district, Ho Chi Minh city
Business license number: 0311563559 issued by the Department of Planning and Investment of Ho Chi Minh City on February 23, 2012

©IO Stream, 2013 - 2024