Search…

22 Quy Luật Bất Biến trong Marketing

09/03/20217 min read
22 Quy Luật Bất Biến trong Marketing là quyển sách kinh điển, đã được tái bản nhiều lần vì tính thực tiễn trong marketing của những quy luật đề cập trong sách.

Có phải đây là quyển sách chỉ dành cho người làm trong ngành marketing? Câu trả lời là không!

Tôi đã chọn đọc quyển sách này vì nhiều người bạn làm trong lĩnh vực marketing đã gợi ý cho về nó. Nếu bạn là 1 marketer, sách được xem như tác phẩm gối đầu giường; nếu bạn bắt đầu kinh doanh, sách giúp bạn xây dựng hệ thống tư duy ban đầu về ngành; hoặc đơn giản khi rảnh rỗi, bạn có thể xem để giải trí; bởi vì cuốn sách rất dễ đọc, bạn sẽ thấy nhiều ví dụ thực tiễn hơn là lý thuyết sách vở.

Tác giả của cuốn sách - Al Ries và Jack Trout - một người là chiến lược marketing nổi tiếng, một người là người khởi xướng nhiều phương pháp marketing quan trọng trong hệ thống marketing hiện đại; đã hiện thực hóa ý tưởng ban đầu của họ: "tự nhiên còn có quy luật, vì sao marketing lại không"; bằng những minh chứng thực tiễn về sự thành công của các doanh nghiệp trong việc áp dụng những quy luật, cũng như những thất bại nếu phớt lờ chúng. Tôi đã từng ấn tượng với câu nói “Ai cũng nhìn, nhưng không phải ai cũng thấy”, và quả thực tôi phải gật gù khi đọc quyển sách này: những quy luật nêu trong sách được ứng dụng khắp nơi, nhưng có thể chúng chưa bao giờ được xem là những quy luật.

Có 1 cách để bắt đầu đọc 1 quyển sách một cách thú vị hơn: thay vì đọc ngay, bạn hãy xem trước mục lục và thử hình dung bạn đã từng biết các quy luật đó được áp dụng trong thực tế như thế nào, sau đó hãy bắt đầu đọc; nhờ đó, những kiến thức trong sách sẽ dễ dàng trở thành trải nghiệm của riêng bạn.

Theo tác giả, 22 quy luật bất biến trong marketing gồm:

  1. Quy luật tiên phong - sẽ hiệu quả hơn khi là người dẫn đầu.
  2. Quy luật chủng loại - hãy chọn 1 sản phẩm bạn có thể tiên phong.
  3. Quy luật ghi nhớ - được khách hàng nhớ đến đầu tiên hiệu quả hơn việc xuất hiện đầu tiên trên thị trường.
  4. Quy luật nhận thức - marketing không phải là cuộc chiến về sản phẩm mà là cuộc chiến về nhận thức.
  5. Quy luật tập trung - vũ khí mạnh mẽ nhất trong marketing là gắn được từ ngữ vào tâm trí khách hàng.
  6. Quy luật độc quyền - hai công ty không thể gây chung một ấn tượng trong tâm trí khách hàng tiềm năng.
  7. Quy luật nấc thang - chiến lược bạn sử dụng tùy thuộc vào việc bạn đang ở nấc thang nào.
  8. Quy luật song đôi - mọi thị trường cuối cùng đều trở thành cuộc đua song mã.
  9. Quy luật đối nghịch - nếu muốn nhắm vào vị trí số 2, chiến lược của bạn sẽ phụ thuộc vào người thứ 1.
  10. Quy luật phân chia - theo thời gian, một chủng loại sản phẩm sẽ phân chia thành hai hoặc nhiều chủng loại.
  11. Quy luật viễn cảnh - hiệu ứng marketing chỉ phát huy tác dụng sau một thời gian dài.
  12. Quy luật mở rộng - việc mở rộng thêm nhãn hiệu thường là một áp lực không cưỡng lại được.
  13. Quy luật hy sinh - để có được thứ gì đó, bạn phải từ bỏ một thứ khác.
  14. Quy luật đặc tính - bất cứ một đặc tính sản phẩm nào cũng có một đặc tính đối nghịch và hiệu quả đi kèm.
  15. Quy luật thành thật - khi bạn thừa nhận một nhược điểm, khách hàng tiềm năng sẽ cho bạn một ưu điểm.
  16. Quy luật đòn then chốt - trong vài trường hợp, 1 hành động duy nhất cũng có thể đem đến kết quả đáng kể.
  17. Quy luật không thể dự đoán - không ai có thể đoán chính xác các tình huống xảy ra trong tương lai.
  18. Quy luật thành công - thành công thường dẫn đến kiêu ngạo, và kiêu ngạo sẽ dẫn đến thất bại.
  19. Quy luật thất bại - thất bại là điều cần được dự báo và chấp nhận.
  20. Quy luật cường điệu - tình hình thực tế thường trái ngược hoàn toàn với những gì giới truyền thông đưa tin.
  21. Quy luật gia tốc - các kế hoạch thành công thường không dựa vào mốt nhất thời, mà dựa vào khuynh hướng.
  22. Quy luật nguồn lực - ý tưởng không thể thành hiện thực nếu không nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính.

Hãy yên tâm rằng bài review "22 quy luật bất biến trong marketing" của tôi sẽ không phá hỏng sự hứng thú của bạn đối với quyển sách. Bạn sẽ vẫn được thưởng thức và suy ngẫm nó một cách trọn vẹn khi bắt đầu đọc nó. Dưới đây là 1 số cảm nhận cá nhân đối với những quy luật mà tôi thấy ấn tượng:

Nhiều ý kiến cho rằng những ví dụ trong sách đã lỗi thời, nhưng về cơ bản đó là những tình huống có thật, nhằm diễn giải cho các quy luật của tác giả. Một khi đã hiểu được quy luật, tự khắc bạn sẽ tìm thấy bài học cho thời điểm hiện tại.

Ở thời điểm nào đó của quyển sách, bạn có thể thấy một số quy tắc đang bác bỏ lẫn nhau. Ví dụ như trong quy luật mở rộng, tác giả chỉ ra rằng việc mở rộng dòng sản phẩm đối với những thương hiệu đã thành công sẽ đem lại thất bại; nhưng một vài chương sau đó lại nhắc đến các công ty đã thành công khi làm điều ngược lại. Trên thực tế, có nhiều công ty đã thành công dù bỏ qua quy luật đầu tiên, chẳng hạn như Google, Facebook hay LinkedIn, đều không phải là những tập đoàn đi tiên phong trong lĩnh vực của họ.

Trừ một số điểm nêu trên, cuốn sách vẫn đáng để đọc như một cách để bắt đầu tìm hiểu về marketing. Những kết luận hữu ích bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách gồm:

  • Nhận thức của khách hàng quan trọng hơn sản phẩm: người tiêu dùng sẽ phân loại hàng hoá theo cách riêng của họ: chẳng hạn ở Mỹ, người ta xem Honda là một hãng sản xuất xe hơi chất lượng; nhưng ở Nhật, Honda lại được nhớ tới như một hãng sản xuất xe máy. Một thương hiệu khi đã được khách hàng phân loại sẽ rất khó để thay đổi, đó là lý do vì sao khi bạn áp dụng một thương hiệu đã thành công vào một sản phẩm khác với ban đầu, sản phẩm đó sẽ khó đạt các mục tiêu mà bạn kỳ vọng.
  • Mục tiêu cơ bản của marketing là trở thành người đứng đầu trong 1 dòng sản phẩm. Bạn có thể đạt được điều này bằng cách tạo ưu thế trong dòng sản phẩm đó, hoặc tự phát triển một dòng sản phẩm mới chưa từng xuất hiện trước đây.
  • Người tiêu dùng có xu hướng nghi ngờ những sản phẩm được tâng bốc bởi nhà sản xuất, nhưng khi bạn không ngần ngại thành thật với khách hàng về những nhược điểm của sản phẩm, khách hàng sẽ cảm thấy rất thoải mái: hoặc họ sẽ tin vào sự trung thực, và không đào sâu thêm nhược điểm nào nữa; hoặc họ sẽ mặc định suy nghĩ rằng sản phẩm của bạn có điểm yếu thì hẳn phải có điểm mạnh để bù lại.
  • Khi marketing về sản phẩm, bạn nên tập trung tiếp thị vào điểm mạnh của sản phẩm đang có, sẽ càng hay nếu đó chính là điểm yếu của sản phẩm khác trên thị trường. 
Marketing không phải là cuộc chiến về sản phẩm, mà là cuộc chiến về nhận thức, bởi nó chính xác là cuộc chiến trong việc thay đổi và điều khiển nhận thức của người tiêu dùng.

Trên đây, tôi đã nói rằng quyển sách này rất dễ đọc, nhưng để áp dụng được các quy luật thì không dễ chút nào, có lẽ bạn sẽ cần phải đọc thêm nhiều cuốn sách khác về marketing đấy.

IO Stream

IO Stream Co., Ltd

30 Trinh Dinh Thao, Hoa Thanh ward, Tan Phu district, Ho Chi Minh city, Vietnam
+84 28 22 00 11 12
developer@iostream.co

383/1 Quang Trung, ward 10, Go Vap district, Ho Chi Minh city
Business license number: 0311563559 issued by the Department of Planning and Investment of Ho Chi Minh City on February 23, 2012

©IO Stream, 2013 - 2024